Từ cuối năm 2019, Hà Nội đưa các ụ chống va đập giao thông (thùng giảm chấn) vào lắp đặt thí điểm tại một số vị trí hay xảy ra TNGT.
Sau quá trình lắp đặt thí điểm, các ụ này phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm chấn thương khi xảy ra va chạm, TNGT.
Giảm thương vong, thiệt hại khi xảy ra tai nạn
Gần chục năm hành nghề lái xe taxi ở Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Tuyến (lái xe hãng Group) cho biết, quá trình lưu thông trên đường cũng vài lần va chạm giao thông. Nhớ nhất với anh là lần bất ngờ mất lái đâm trực diện vào thùng giảm chấn và cọc tiêu tại đầu cầu vượt Ngã Tư Sở.
“Tối đó, do bất cẩn mải lướt điện thoại nhận cuốc khách qua ứng dụng nên tôi bị bất ngờ khi ngước lên thấy xe đang sắp lao vào hai cháu học sinh đang đi phía trước. Lúc này, tôi vội vàng bẻ lái gấp đánh sang trái thì bất ngờ bị mất lái đâm thẳng vào thùng giảm chấn. Do lực mạnh nên thiết bị ATGT này bị méo. Tuy nhiên, nếu không có thùng giảm chấn đó, khu vực tôi đâm sẽ là dải phân cách cứng bằng bê tông phía trước, hậu quả vô cùng nguy hiểm, thậm chí xe lao qua dải phân cách khu vực đầu cầu”, anh Tuyến kể.
Cũng theo anh Tuyến, việc có thùng giảm chấn ở các khu vực cầu, hầm hay những nút giao trọng điểm rất cần thiết bởi đây đều là những điểm nóng hay xảy ra va chạm và TNGT. Dùng ụ cao su này an toàn hơn nhiều so với ụ bê tông và ụ sắt. Xảy ra va chạm sẽ giảm thiểu được nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Lái xe Lê Viết Tuấn (hãng taxi Mai Linh) chia sẻ, anh may mắn chưa có lần va chạm nguy hiểm nào. Tuy nhiên, anh từng chứng kiến một vụ TNGT trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Khi đó, chiếc xe ô tô 7 chỗ màu đen đang đi nhanh đến điểm rẽ. Do chưa phát hiện ra lối rẽ nên khi gần đến nơi xe vẫn đang ở tốc độ cao. Vừa đánh lái vừa phanh gấp nên đầu xe đâm vào thùng giảm chấn.
Sau cú va chạm tưởng như chết người, song nhờ đầu dải phân cách có thùng giảm chấn nên may mắn lái xe chỉ bị xước nhẹ ở tay và bàn chân, đầu xe bị cong biển số nhưng lốp xe không bị bục.
“Trường hợp đó nếu lái xe đâm vào dải phân cách bằng bê tông sẽ rất nguy hiểm và tính mạng khó bảo toàn”, anh Tuấn nhận định.
Ngày 26/7, ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều tuyến đường ở TP Hà Nội đang được bố trí những thùng giảm chấn ở vị trí hay xảy ra TNGT.
Đơn cử, ở đầu hầm chui Thanh Xuân (Hà Nội), phía trước cột biển báo giao thông, được đặt thùng giảm chấn màu cam làm bằng nhựa có độ đàn hồi cao.
Thùng nhựa có chiều cao khoảng 90cm, bên trong chứa đầy cát có tác dụng giảm chấn thương khi xảy ra va chạm. Bên ngoài, thùng giảm chấn cũng được sơn phản quang để người lái xe có thể dễ dàng quan sát từ xa, nhất là vào ban đêm. Quan sát của PV, thùng giảm chấn ở đây đang méo mó bởi nhiều lực đâm va vào.
Một nhân viên tuần đường được giao phụ trách trên tuyến này cho biết, đây là điểm nóng hay xảy ra va chạm, nên Sở GTVT Hà Nội đưa thùng giảm chấn vào thí điểm đầu tiên trên địa bàn. “Từ khi đưa vào đến nay đã phải thay thùng giảm chấn hàng chục lần do ở đây xảy ra nhiều va chạm và TNGT”, anh này nói.
Khu vực đường ra vào Đại lộ Thăng Long, cầu vượt Ngã Tư Sở, vòng xoay Lê Trọng Tấn – Nguyễn Thanh Bình, cầu Vĩnh Tuy, một số điểm và nhánh lên đường Vành đai 3… cũng đang được đơn vị quản lý lắp đặt các thiết bị ATGT này. Đây đều là khu vực thường xuyên xảy ra va chạm giao thông.
Sẽ nhân rộng để giảm hậu quả TNGT
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua, để giảm thiểu số vụ và hậu quả TNGT, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Thường xuyên theo dõi, rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến đường cho phù hợp với tình hình thực tế; Lắp đặt thí điểm các thiết bị đảm bảo ATGT bằng công nghệ mới nhằm cảnh báo, tăng cường nhận biết chướng ngại vật, giảm thương vong cho người, hạn chế hư hỏng cho phương tiện khi xảy ra tai nạn. Trong đó có việc lắp đặt thùng giảm chấn, dải phân cách bằng nhựa, barie rào chắn…
Theo ông Tuấn, việc thí điểm lắp đặt thiết bị ATGT này đang phát huy hiệu quả cao. Từ đầu năm 2019 đến nay, qua đánh giá của liên ngành, các điểm này giảm được nhiều hậu quả của những vụ đâm va, TNGT.
“Thiết bị ATGT này có nắp đậy, có thể đổ nước, đổ cát giúp tăng trọng lượng của sản phẩm chống chịu gió lớn, tăng lực chống chịu khi có va chạm tốc độ cao xảy ra; Đồng thời, ngăn cản thương vong thứ cấp khi có va chạm giữa phương tiện và thùng giảm chấn. Phương tiện đâm va, nhờ tác dụng của thùng giảm chấn nên hậu quả chấn thương, hư hỏng phương tiện không bị nặng như trước. Một số vụ TNGT va chạm nhẹ không gây hư hỏng về phương tiện và thương vong về người, phương tiện dễ dàng di chuyển ngay”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Ngô Mạnh Tuấn, hiện Sở GTVT Hà Nội đang tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của thiết bị này. Sắp tới sẽ mở rộng thêm nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các tuyến đường trên cao để nếu xảy ra va chạm, người điều khiển phương tiện có thể giảm những hậu quả, chấn thương đáng tiếc.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá: “Việc lắp đặt thùng giảm chấn không chỉ giúp giảm hậu quả do TNGT mà còn giúp bảo vệ công trình giao thông không bị phá hoại do TNGT. Tới đây, Hà Nội cần đánh giá hiệu quả cụ thể và có kế hoạch nhân rộng hơn, bởi hiện trên địa bàn Thủ đô còn nhiều điểm đen, có nhiều nút giao dễ gây xung đột”.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH HIQ Vina (Hàn Quốc), nhà cung cấp các ụ giảm chấn cho biết, hiện tại đang hỗ trợ miễn phí tại 6-7 nút giao cho Sở GTVT Hà Nội thực hiện thí điểm. Mới đây, công ty này cũng thực hiện một dự án lắp đặt thùng giảm chấn tại lối lên/ xuống đường Vành đai 3 với chi phí mỗi lối lên/ xuống khoảng 10 triệu đồng.
(Nguồn: Atgt.vn)
Xem thêm: Thiết bị an toàn đường bộ, Thiết bị an toàn công trình, Thiết bị an toàn đỗ xe, Thiết bị năng lượng mặt trời