Dự án đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần dài 654km, đi qua 13 tỉnh gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, công tác GPMB của 11 dự án được thành các tiểu dự án và giao cho địa phương nơi có dự án đi qua làm chủ đầu tư thực hiện. Kinh phí GPMB của 11 dự án khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB.
Dự án đầu tư cao tốc Bắc – Nam đang được Bộ GTVT rốt ráo triển khai. Ngoài thực địa, chính quyền 13 tỉnh, thành nơi dự án đi qua cũng vào cuộc quyết liệt đốc thúc công tác đền bù, tiến tới bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch 11 dự án thành phần vào cuối tháng 6/2020. Các địa phương đều mong muốn dự án được triển khai càng sớm càng tốt, tránh lãng phí đất đai.
Tính đến tháng 5/2020, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 477/654km (đạt 73%), dự kiến cơ bản hoàn thành trong quý II/2020. Đối với một số đoạn do phải di dời công trình hạ tầng phức tạp, sẽ hoàn thành trong quý III/2020. Ngoài ra, các địa phương đã triển khai xây dựng 35/114 khu tái định cư, 79 khu tái định cư còn lại đang triển khai thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công, phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn bộ các khu tái định cư trong quý III/2020.
Ngoài 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) đã triển khai thi công, tiến độ thực hiện 8 dự án PPP còn lại bằng hình thức PPP theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội đang chậm, thậm chí có thể bị “treo” trong giai đoạn tới bởi chính sách của các ngân hàng, việc nhà đầu tư vay được vốn tín dụng gần như là bất khả thi. Đây cũng lý do được Chính phủ đưa ra trong tờ trình vừa gửi đến Quốc hội để xem xét, chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công để dự án đảm bảo chắc chắn thành công.
Nếu tiếp tục triển khai 8 dự án cao tốc Bắc – Nam bằng hình thức PPP, theo báo cáo của Chính phủ, dự án sẽ không đảm bảo mục tiêu hoàn thành theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội. Hơn nữa, việc chậm triển khai cao tốc Bắc – Nam còn đẩy chính quyền địa phương nơi các dự án đi qua vào thế khó, khi hàng nghìn hộ dân đã nhường đất để làm công trình trọng điểm quốc gia này, nhưng phần đất của họ sắp tới lại phải “phơi mưa, phơi nắng”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, GPMB dự án đường bộ cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt đoạn qua địa bàn huyện Đức Thọ cho biết, cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn huyện này dài 4,9km. Tổng diện tích GPMB là 32,27ha, gồm tuyến đường chính, đường gom, khu tái định cư và trạm dừng nghỉ với 475 hộ dân trên địa bàn 3 xã Yên Hồ, Quang Vĩnh và Thanh Bình Thịnh bị ảnh hưởng.
Đến nay, công tác bồi thường, GPMB của dự án qua địa bàn huyện đã đạt trên 90%. Mục tiêu của địa phương sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư trước 30/6/2020. Riêng về các dự án tái định cư, huyện Đức Thọ có 2 khu tái định cư (ở xã Đức Vĩnh và xã Yên Hồ) đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành.
“Từ trước tới nay, các văn bản chỉ đạo từ trên xuống đều thống nhất rất rõ về kế hoạch triển khai và các mốc thời gian. Đến nay, nếu không thể triển khai vì không huy động được nguồn vốn hoặc triển khai chậm hơn kế hoạch, chắc chắn người dân sẽ có ý kiến. Lúc đó, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân trong thực hiện dự án trọng điểm này. Đặc biệt, việc chậm triển khai dự án sẽ gây khó khăn rất nhiều cho địa phương trong việc bồi thường, GPMB thực hiện các dự án trọng điểm sau này”, ông Trung chia sẻ.
Ông Phạm Hồng Quang, Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc (Nghệ An) cũng cho biết: “Việc xây dựng cao tốc Bắc – Nam theo phương án nào sẽ do Quốc hội quyết định. Còn với địa phương, chúng tôi mong muốn phương án nào làm càng nhanh sẽ càng tốt. Làm nhanh sẽ tránh được tình trạng đất đai đã giải phóng mà không triển khai thi công, hạn chế thất thoát lãng phí, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân”.
Theo ông Quang, cao tốc chậm đưa vào hoạt động ngày nào, mục tiêu phát triển kinh tế đề ra sẽ chậm theo ngày đó. Bởi có đường cao tốc sớm sẽ tạo thuận lợi cho lưu thông, kết nối các vùng kinh tế, hệ thống khu công nghiệp, cảng biển… “Mong muốn của địa phương là dự án làm càng nhanh càng tốt cho địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ triển khai đảm bảo kịp tiến độ GPMB mà Chính phủ, Bộ GTVT cũng như tỉnh đề ra”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Đức An, Phó giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, trên địa bàn Nghệ An có 87,8km đường cao tốc Bắc – Nam đi qua (đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt). Đến nay, các địa phương đã giải phóng mặt bằng được 70/87km (đạt trên 80%), trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp. Hiện một số khu tái định cư đã bước sang giai đoạn thi công, số còn lại sau điều chỉnh đã tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Dự kiến trong tháng 8/2020, Nghệ An sẽ cơ bản bàn giao được mặt bằng cho dự án.
“Cao tốc Bắc – Nam rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Tỉnh nào cũng mong muốn có một tuyến cao tốc để lưu thông thuận lợi. Nhưng lâu nay chúng ta không làm được vì không có tiền. Đầu tư cao tốc đòi hỏi nguồn lực lớn nên phải huy động từ nhiều nguồn. Mong muốn của địa phương là Nhà nước cân đối vốn, sớm cho triển khai dự án”, ông An chia sẻ.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng thông tin, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đi qua gồm: Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu. Công tác GPMB của 3 dự án này đang được chính quyền địa phương thực hiện rốt ráo và sẽ cơ bản sẽ hoàn thành trước 30/6/2020. “Việc đầu tư các dự án này bằng hình thức nào, chúng tôi đều ủng hộ vì người dân và tỉnh mong muốn dự án sớm triển khai và đưa vào sử dụng để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông cũng như thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng”, ông Liêm chia sẻ.
Cũng theo ông Liêm, cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua địa phận TP Thanh Hóa và 8 huyện của tỉnh Thanh Hóa với tổng chiều dài 104,2km. Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 9.228 hộ. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành công tác GPMB phần đất nông nghiệp được 6.480/6.859 hộ (đạt 94,5%), trong đó tiến độ thực hiện của các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia chậm so với yêu cầu. Riêng phần đất ở, Thanh Hóa đã giải phóng được 1.676/2.369 hộ (đạt 70,7%), trong đó các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Tĩnh Gia tiến độ GPMB chậm.
Nguồn: Báo GTVT