• Date
  • Posted by
    hiqvinaadmin
  • Comments
    0
  • Category
    Tin tức

Do khó khăn trong cân đối nguồn lực đầu tư công trung hạn, Bộ Giao thông vận tải chỉ có thể ưu tiên khởi công mới đoạn cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn qua Thái Nguyên khoảng 2.017 tỷ đồng trong năm nay…

Tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn sau khi hoàn thành sẽ khớp nối với tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới đang khai thác, hình thành một tuyến cao tốc dài khoảng 70km chạy thẳng từ Thái Nguyên đến Bắc Kạn.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 1869 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí nâng cấp đường Quốc lộ 37, Quốc lộ 17 theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 01/9/2021.

Hiện nay một số tuyến Quốc lộ qua địa bàn như: Quốc lộ 37 đoạn qua tỉnh Thái Nguyên đều quá tải, mặt đường thắt hẹp, đi lại khó khăn. Các tuyến mới được nâng cấp lên quốc lộ quản lý như Quốc lộ 3C nâng cấp từ ĐT268, Quốc lộ 17 nâng cấp từ ĐT269 có chất lượng mặt đường thấp, xuống cấp. Kinh phí duy tu, sửa chữa hằng năm mới đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thực tế trên tuyến. 

Đồng thời, cử tri tỉnh cũng đề nghị bố trí kinh phí và sớm thực hiện giai đoạn 2 của dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đoạn Chợ Chu – Đèo Muồng dài khoảng 15km.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc như đoạn qua địa phận TP. Hà Nội như mở rộng thêm vào dải phân cách giữa mỗi bên 2,25m; hoàn thiện nút giao Yên Bình; đầu tư hệ thống giao thông thông minh – ITS…

Cùng với đó, “kêu gọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn 2021 – 2030”, cử tri Thái Nguyên đề nghị.

Ngoài ra, cho phép tạm giao UBND tỉnh Thái Nguyên quản lý, vận hành, khai thác các đoạn thuộc tuyến đường Vành đai 5 – Vùng Thủ đô Hà Nội do tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng. Tỉnh sẽ bàn giao lại Bộ quản lý sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng toàn bộ tuyến đường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hoặc khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thứ nhất, về đầu tư, nâng cấp các tuyến Quốc lộ: 3C, 17, 37 và đường Hồ Chí Minh,

Các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh Thái Nguyên nêu trên có hiện trạng đạt cấp IV – III, hiện trạng quy mô đã cơ bản phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian qua, các tuyến đường được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để đảm bảo êm thuận và an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Năm 2019, Bộ Giao thông vận tải giao các đơn vị trực thuộc tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Quốc lộ 37 và đường Hồ Chí Minh để làm cơ sở xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Bộ Giao thông vận tải nhận thấy việc đầu tư các tuyến quốc lộ nêu trên là cần thiết, hiện có trong quy hoạch, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhưng do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện.

 

Thứ haivề tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, tuyến cao tốc này có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, trong đó đoạn tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có quy mô 6 làn xe, đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) có quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Riêng đoạn Bắc Kạn – Cao Bằng được quy hoạch với quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. 

Hiện nay, đoạn tuyến Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới được đầu tư hoàn thành và đang khai thác sử dụng bình thường.

Riêng đoạn Chợ Mới – Bắc Kạn dài 28km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.017 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai xây dựng và dự kiến sẽ khởi công năm 2022 và hoàn thành năm 2025. 

Theo quyết định, dự án Chợ Mới – Bắc Kạn có chiều dài toàn tuyến khoảng 28km. Dự án có điểm đầu từ đường Thái Nguyên – Chợ Mới và điểm cuối nối vào đường TP. Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang đang chuẩn bị thi công.

Cũng do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên Bộ Giao thông vận tải chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc.

Trong khi chưa có điều kiện triển khai dự án mới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai đầu tư hoàn chỉnh dự án.

Đối với đoạn Bắc Kạn – Cao Bằng, tại khoản 2, mục III, Quyết định phê duyệt quy hoạch xác định: “Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.”.

Do vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nếu các địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và có khả năng huy động được nguồn lực, đề nghị các địa phương đánh giá hiệu quả đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sớm triển khai thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai đầu tư xây dựng dự án nhằm hoàn thiện kết nối theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới – Bắc Kạn và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. 

Thứ bavề công tác quản lý, khai thác các đoạn tuyến thuộc đường Vành đai 5 – Hà Nội qua địa phận tỉnh Thái Nguyên có chiều dài khoảng 28,9km, Bộ cho biết, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai đầu tư một số đoạn tuyến với quy mô từ 4 đến 6 làn xe và các tuyến đường kết nối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư dọc tuyến đường phù hợp với quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5 – Hà Nội.

Trong thời gian tuyến đường Vành đai 5 – Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải thống nhất việc UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì bằng nguồn kinh phí của địa phương đối với các đoạn tuyến do tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai. 

Được biết, Vành đai 5 dài 331 km, đi qua 8 tỉnh thành Hà Nội (48 km), Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Đa số các đoạn tuyến của vành đai này hiện chưa được đầu tư.

Nguồn: vneconomy.vn

Xem thêm: Thiết bị an toàn đường bộThiết bị an toàn công trìnhThiết bị an toàn đỗ xeThiết bị năng lượng mặt trời

Chia sẻ:
02042484499