Trong năm 2021 này, đầu tư công vẫn phải là một trụ cột của tăng trưởng. Năm nay, đã hết 5 tháng, nhưng số liệu đạt được rất thấp.
Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 mang lại nhiều tác động mới, gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh, thậm chí đã có đứt gãy, tạm ngừng sản xuất ở một số nhà máy.
Sản lượng công nghiệp sẽ giảm do ngừng, thu hẹp sản xuất, do giảm năng suất lao động. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế tác, có thể giảm. Tháng 5, chúng ta đã nhập siêu và tình trạng nhập siêu có thể tiếp tục quay trở lại.
Kết hợp cả hai loại tác động từ 3 đợt dịch trước với tác động mới từ làn sóng Covid-19 lần này, tăng trưởng quý II/2021 sẽ thấp hơn kế hoạch và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn kế hoạch dự kiến. Số lao động bị mất việc làm, giảm việc làm tăng lên, số lao động gia nhập khu vực phi chính thức cũng gia tăng, cuộc sống và sinh kế của lao động tự do trở nên khó khăn hơn, bấp bênh và dễ bị tổn thương hơn.
Do đó, bên cạnh các giải pháp chống dịch, hỗ trợ các địa phương, các khu công nghiệp và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhanh chóng phục hồi lại sản xuất, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, đúng khối lượng xây lắp.
Kinh nghiệm của năm ngoái là ngay khi dịch bùng phát chúng ta đã kịp thời có các kịch bản điều hành cho từng quý theo các dự báo diễn biến của dịch bệnh.
Trong các kịch bản đó luôn đưa giả thiết là dịch bệnh diễn biến thế nào và từ đó sẽ làm gì. Trong các kịch bản cũng luôn nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế nên xác định đầu tư công là trụ cột, từ đó liên tục thúc đẩy đầu tư công.
Trong năm 2021 này, đầu tư công vẫn phải là một trụ cột của tăng trưởng. Năm nay, đã hết 5 tháng, nhưng số liệu đạt được rất thấp.
Thời gian qua, không chỉ thép mà rất nhiều vật liệu xây dựng khác tăng giá làm đội vốn công trình xây dựng. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách Nhà nước có nguy cơ đình trệ bởi vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp.
Tôi đã kiến nghị vấn đề này rất nhiều lần, là chúng ta không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Bởi theo luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như Metro ở Hà Nội và TP.HCM… gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.
Vì thế, Chính phủ cần chỉ đạo thật nhanh để giải quyết tình trạng này, thậm chí có thể cần tới cả quyết định phi truyền thống hướng dẫn về thủ tục, thẩm định dự án… để điều chỉnh đồng loạt những quy định liên quan tới tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Sau đó, phải tiến tới sửa Luật Đầu tư công cũng như những quy định liên quan tới chấp thuận chủ trương đầu tư, tránh bó cứng tổng mức đầu tư của dự án.
Và nếu được, hãy bỏ luôn quy định liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư vì trong năm 2021 và vài năm tới động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tư công. Có như vậy, chủ đầu tư và nhà thầu mới yên tâm khi tham gia dự án đầu tư có sử dụng ngân sách Nhà nước.
TS. Nguyễn Đình Cung (Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư)
Nguồn: Baogiaothong.vn