Tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu được đầu tư sẽ tạo động lực cho kinh tế các tỉnh Tây Bắc phát triển, nâng cao đời sống bà con dân tộc.
Hạ tầng giao thông ngày càng xuống cấp
Đánh giá thực trạng giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Hữu Đức cho rằng, những năm gần đây, hạ tầng giao thông của cả nước nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ việc quy hoạch, đầu tư mới đến cải tạo nâng cấp, giúp các tỉnh có hạ tầng tốt hơn thúc đẩy giao thương hàng hóa, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số.
Tuy vậy, hiện, vùng núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng có hạ tầng KT-XH thấp kém nhất.
“Kết nối đến các tỉnh miền núi phía Bắc bao năm qua vẫn là chủ yếu những con đường như: QL6, QL4D, QL32 hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất ATGT, trượt lở đất và ngập lụt vào mùa mưa vẫn luôn thường trực.
Năng lực giao thông còn yếu khiến nhiều địa phương như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vẫn là “rốn nghèo” của cả nước”, TS. Đức nói và cho rằng, ưu tiên hàng đầu là cơ quan chức năng phải tiếp tục phát triển kết nối giao thông đồng bộ lên Tây Bắc.
“Quy hoạch tổng thể, vùng Tây Bắc có hai tuyến cao tốc. Trong đó, tuyến Hà Nội – Lào Cai đã đầu tư và đưa vào khai thác, tạo nên tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Bắc với vùng Thủ đô.
Tuyến Hòa Bình – Mộc Châu – Điện Biên đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch. Trong đó, riêng đoạn Hòa Bình – Mộc Châu nếu được đầu tư, Sơn La nói chung và Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng sẽ phát huy được tiềm năng du lịch sẵn có, thúc đẩy KT-XH phát triển mạnh hơn. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc (Thái, Mông, Mường,…) sinh sống tại địa phương cũng sẽ ngày càng được nâng cao hơn”, vị chuyên gia nhận định.
Đưa ra tính cấp thiết đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, UBND tỉnh Sơn La cũng cho biết, hiện nay, việc kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến tỉnh Sơn La chủ yếu thông qua QL6.
Được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tuyến đường bộc lộ nhiều bất cập: độ dốc lớn, bán kính cong nhỏ, đường nhiều khúc cua nguy hiểm, tầm nhìn hạn chế, tốc độ lưu thông thấp.
QL6 còn bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sạt lở, sương mù ở những vị trí đèo núi cao, hiểm trở. Hàng năm, vào những ngày có sương mù, mưa, trên tuyến thường xảy ra các vụ TNGT, gây ách tắc giao thông, việc đi lại, giao thương gặp rất nhiều khó
Rốt ráo triển khai đầu tư
Trước sự hạn chế về hạ tầng kết nối của các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định nhiệm vụ đến năm 2030 phải hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La.
Bên cạnh đó, theo quyết định số 1454 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Hòa Bình – Mộc Châu đã được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng hoàn thành trước năm 2030.
Gửi văn bản thông tin tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La vào đầu tháng 12/2022, UBND tỉnh Sơn La cho biết, ngày 3/9/2022, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Công tác phối hợp với tư vấn rà soát các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường, mỏ đất san lấp đã được cấp phép khai thác, các điểm mỏ đang trình thủ tục cấp phép khai thác cũng đã được hoàn thành.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo báo cáo của UBND huyện Mộc Châu, kết quả rà soát nguồn gốc, hiện trạng đất, số hộ bị ảnh hưởng; sơ bộ kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 37 tỷ đồng. Tại huyện Vân Hồ, sơ bộ kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 392 tỷ đồng.
Hiện, UBND hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ đang tiến hành lập dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB dự án trên địa bàn từng huyện (việc cắm cọc GPMB chưa thực hiện).
“Tháng 10/2022, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông đã có tờ trình gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Theo ý kiến của cơ quan thẩm định, Ban QLDA đang tiếp tục chỉ đạo nhà thầu tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi”, UBND tỉnh Sơn La thông tin, đồng thời cho biết, tính đến nay, dự án cũng đã được giao 100 tỷ vốn ngân sách TƯ. Tuy nhiên, công tác giải ngân chưa được thực hiện do chưa đủ cơ sở pháp lý.
Đề cập đến khó khăn của dự án, theo UBND tỉnh Sơn La, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai theo theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc triển khai thực hiện dự án phải được Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chủ quản. Song, đến nay chưa có văn bản giao UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện.
Liên quan đến tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình), UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện tại, nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và khảo sát, cắm cọc GPMB đã được phê duyệt.
Dự án cũng đã hoàn thành các công tác khác như: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Phê duyệt nhiệm vụ tư vấn điều tra lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tổng hợp nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự toán chi phí cho các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án để lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng,…
Đối với gói thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và khảo sát cắm cọc GPMB, mốc lộ giới, ngày 5/12/2022 Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn và đang đôn đốc nhà thầu khẩn trương đồng loạt triển khai công việc khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, rút ngắn thời gian theo hợp đồng đã ký.
Theo UBND tỉnh Hòa Bình, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, UBND Hòa Bình đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đối với dự án cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu (đoạn từ Km19 ÷ Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).
Tháng 11/2022, Văn phòng Chính Phủ đã có văn bản về việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện đúng theo các nghị quyết liên quan.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn thực hiện dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có văn bản hướng dẫn theo ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ để UBND tỉnh Hoà Bình làm cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án theo quy định.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La có tổng chiều dài 31,6 km.
Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ được đầu tư với quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 4 làn xe cơ giới trên toàn tuyến, tốc độ thiết kế 80km/h. Bề rộng nền đường 22m.
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 7 (2 làn xe). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.790 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TƯ khoảng 1.800 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 1.990 tỷ đồng.
Trong khi đó, cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) có tổng chiều dài 34 km.
Giai đoạn 1 được đầu tư với quy mô đường cao tốc, tốc độ thiết kế 80km/h, những đoạn tuyến có địa hình khó khăn tốc độ thiết kế 60km/h. Bề rồn nền đường 12m; Bề rộng mặt đường 7m (2 làn xe).
Giai đoạn hoàn thiện, tuyến được đầu tư với bề rộng nền đường 22m, bề rộng mặt đường 14m (4 làn xe).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.777 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TƯ khoảng 8.243 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là 1.534 tỷ đồng.