Cao tốc An Hữu – Cao Lãnh dài gần 34 km, nối Tiền Giang với Đồng Tháp dự kiến đầu tư hoàn thành giai đoạn một năm 2025, giúp phát triển kinh tế, xã hội vùng.
Chiều 8/9, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý dự án) cho biết vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến cao tốc nói trên.
Công trình có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung – cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); điểm cuối kết nối đường tỉnh 856 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trong gần 34 km toàn tuyến, đoạn qua địa phận Đồng Tháp hơn 25 km, còn lại thuộc Tiền Giang.
Tổng mức đầu tư dự án khi hoàn thiện ước tính hơn 9.500 tỷ đồng, làm đường rộng gần 25 m, 4 làn xe, vận tốc 100 km/h. Giai đoạn một, tuyến đường được xây dựng với bề rộng 17 m, 4 làn xe hạn chế, vận tốc 80 km/h, kinh phí đầu tư 6.944 tỷ đồng. Trên tuyến cũng sẽ xây dựng đồng bộ 5 nút giao, 38 cây cầu.
Để làm công trình, tổng diện tích đất giải toả gần 178 ha, gồm 202 hộ dân bị ảnh hưởng và đất nông nghiệp… Việc giải phóng mặt bằng dự kiến thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh, trong đó tách thành các tiểu dự án theo địa phận hai địa phương để thực hiện.
Trước đó, cao tốc An Hữu – Cao Lãnh được nghiên cứu dài hơn 28 km, đầu tư bằng vốn ngân sách với tổng vốn hơn 5.500 tỷ đồng. Hiện, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách chiếm 50% tổng mức đầu tư (3.472 tỷ đồng), thời gian để nhà đầu tư hoàn vốn khoảng 27 năm. Phương án này được cho phù hợp, ít rủi ro về tài chính và dễ huy động vốn cho dự án.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, trường hợp được cấp thẩm quyền thông qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án sẽ thực hiện giai đoạn 2022-2023, sau đó triển khai thi công và cơ bản hoàn thành thông tuyến giai đoạn một năm 2025.
Cao tốc An Hữu – Cao Lãnh là một trong tuyến trục ngang ở Đồng bằng sông Cửu Long, khi đầu tư hoàn thành đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang bờ Bắc sông Tiền, góp phần giảm tải cho quốc lộ 30 hiện hữu. Công trình cũng kết nối các tuyến trục dọc như quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam phía Đông (TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau); cao tốc Bắc – Nam phía Tây (đường N2 – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi). Đây là các tuyến đường đã và đang xúc tiến triển khai ở các tỉnh miền Tây.
Nguồn: vnexpress.net
Xem thêm: Thiết bị an toàn đường bộ, Thiết bị an toàn công trình, Thiết bị an toàn đỗ xe, Thiết bị năng lượng mặt trời