Bộ GTVT yêu cầu phải ưu tiên số hóa dữ liệu để ngăn chặn sách nhiễu người dân, doanh nghiệp trong quá trình xử lý hồ sơ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ ngành GTVT.
Nội dung chỉ thị nêu rõ, trong chỉ đạo, điều hành các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, Bộ GTVT luôn quan tâm phổ biến, quán triệt đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, văn hóa công vụ; thực hiện nghiêm các qui định về phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, vừa qua vẫn còn xảy ra một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và nỗ lực, cố gắng của ngành GTVT trong công tác phòng chống tham nhũng.
Nguyên nhân chính do một số cơ quan đơn vị, cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa chặt chẽ. Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chậm.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chủ động phòng ngừa vi phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc nêu cao vai trò cấp ủy đảng, vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động công vụ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Trong đó, tập trung vào 4 nhiệm vụ chính.
Cụ thể, các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; quyết liệt trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số của Bộ GTVT, hình thành phương thức quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát trong nội bộ chặt chẽ, thường xuyên, liên tục gắn với trách nhiệm người đứng đầu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt là các vị trí công tác có yếu tố nhạy cảm cao, trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định.
“Người đứng đầu đơn vị phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt đầy đủ thông tin, dư luận, phản ánh về sai phạm, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ của đơn vị và chủ động rà soát, làm rõ để có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Phải thực hiện theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong việc xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp và trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp của đơn vị có người vi phạm”, chỉ thị nêu.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh, kiểm tra trách nhiệm trong thực thi công vụ; việc chấp hành các quy định về quản lý tài chính, tài sản công, quản lý đầu tư xây dựng, trọng tâm là các công trình quan trọng quốc gia (các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, các cảng hàng không trọng điểm…). Trong đó, chú trọng việc tổ chức kiểm tra ngay từ những bước đầu để tăng tính phòng ngừa đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm của ngành.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải cải tiến lề lối làm việc, không được vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc, không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân và doanh nghiệp.
“Thanh tra Bộ phải xây dựng kế hoạch thực hiện công tác thanh tra, kiểm ra có trọng tâm, trọng điểm; phát hiện, tham mưu chấn chỉnh, kịp thời phòng ngừa và từng bước ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng”, chỉ thị nêu rõ.
(Nguồn: Baogiaothong.vn)
Xem thêm: Thiết bị an toàn đường bộ, Thiết bị an toàn công trình, Thiết bị an toàn đỗ xe, Thiết bị năng lượng mặt trời